Hẳn ai trong chúng ta đều đã từng nghe qua câu nói: “Có tài mà cậy chi tài”, có tài trí thì tốt nhưng chưa đủ để đem đến hạnh phúc và bình an. Ở đời muốn đạt được hạnh phúc vững bền, ngoài tài trí thì cần tích lũy phước đức.
Tuy nhiên phước đức không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải do ai đó ban cho, mà là tự tay ta gieo trồng và tích lũy. Sau đây là 10 cách tạo phước đức theo lời Phật dạy, cùng đọc và thực hành để năm 2024 thêm bình an và hạnh phúc nhé!
1. Thân cận người hiền trí
Người hiền thiện với kẻ xấu ác, hai đường tốt xấu phân chia rõ ràng. Tựa như câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" đã cho ta thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn bạn bè trong cuộc sống.
Con người chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường xung quanh, đặc biệt là những người bạn mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc. Người hiền thiện, trí tuệ sẽ luôn hướng ta đến những điều tốt đẹp, giúp ta rèn luyện đạo đức và phát triển tâm hồn. Ngược lại, kẻ xấu ác, bất lương sẽ chỉ dẫn dắt ta vào con đường sa đọa, lầm lỡ.
Ví như, nếu như bạn thân gần 5 người bạn ham học hỏi, sâu sắc, biết giúp đỡ, sẻ chia. Bạn sẽ trở thành người thứ 6. Nhưng nếu thân gần 5 người bạn suốt ngày nhậu nhẹt, cuối cùng sẽ có 6 tên bợm nhậu.
Vì vậy, phước đức lớn nhất của đời người là có được những người thầy hiền trí, những người bạn tốt đồng hành. Hãy trân trọng những mối quan hệ tốt đẹp này, cùng nhau gieo trồng những hạt mầm thiện lành, vun bồi cho cuộc đời thêm an lạc và hạnh phúc.
2. Biết chọn môi trường tốt
Cũng như việc chọn bạn bè để chơi, con người chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xung quanh. Môi trường sống như mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn, định hình nhân cách và ảnh hưởng đến con đường mà chúng ta lựa chọn.
Chẳng hạn như câu chuyện về mẹ Mạnh Tử, một người phụ nữ hiền đức và sáng suốt, đã ba lần chuyển nhà vì con trai. Lần đầu tiên, bà chuyển nhà vì nhà gần nghĩa địa, nơi con trai thường chơi đùa với những đứa trẻ nghịch ngợm và học những thói hư tật xấu. Lần thứ hai, bà chuyển nhà vì nhà gần chợ, nơi con trai bị phân tâm bởi sự ồn ào náo nhiệt và không thể tập trung học tập. Lần thứ ba, bà chuyển nhà đến một khu phố yên tĩnh, nơi có nhiều người hiền lành và ham học hỏi. Nhờ môi trường sống tốt đẹp, Mạnh Tử đã trở thành một người tài đức vẹn toàn, một nhà nho nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Cũng như mẹ Mạnh Tử, chúng ta cần phải quan tâm đến môi trường sống của mình. Nếu chúng ta ở trong môi trường yêu thích học tập, làm thiện nguyện, có tinh thần nâng đỡ cho nhau phát triển thì chúng ta cũng sẽ có tinh thần ham học, cầu tiến và biết sẻ chia cho người xung quanh. Như vậy, đây chính là một trong những cách ta tạo phước đức ở đời người.
Và ngược lại, hãy tránh xa những môi trường độc hại, nơi có những người xấu, những điều xấu xa sẽ khiến ta sa ngã, nảy sinh những góc nhìn tà kiến về thế giới và cuộc đời của chính chúng ta.
3. Siêng học lại giỏi nghề
Phàm làm người, nên chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp với bản thân, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội thay vì chỉ đơn thuần kiếm cớ sinh nhai làm giàu. Có những công việc có thể đem lại rất nhiều tiền của, song lại tổn hại đến người khác hoặc môi trường thiên nhiên. Như vậy, dù có kiếm được nhiều đến đâu, chúng ta tuyệt đối cũng nên tránh.
Hãy nhớ rằng, phần lớn thời gian trong cuộc sống của chúng ta dành cho công việc. Nếu ta có thể học được một nghề nghiệp tốt, sống bằng công việc đó và giúp đỡ được mọi người, tức thì ta cũng đã tích lũy được phước báu cho cuộc đời.
4. Biết hiếu dưỡng cha mẹ
Thuở Phật còn tại thế, có một vị chư Thiên đến hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, làm sao để có được vận may?”. Phật đáp: "Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng”. Lời dạy này cho thấy tầm quan trọng của hiếu hạnh trong việc gieo trồng phước đức.
Hiếu hạnh không chỉ đơn thuần là chăm sóc cha mẹ về mặt vật chất, mà còn là giúp cha mẹ tiến bước trong con đường tâm linh của chính mình. Theo đó, tầng bậc báo hiếu cao nhất là khi con cái giúp cha mẹ học và thực hành đạo lý, tìm kiếm những bài học từ các vị hiền triết và sách tinh hoa.
Đồng thời, tìm cho cha mẹ nhóm bạn đồng tu để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển tâm thức. Bằng cách cân bằng giữa Đạo và Đời, chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, cha mẹ có thể hướng về cuộc sống bình an và nuôi dưỡng những niềm hạnh phúc ở độ tuổi về hưu.
Hiếu hạnh là một trong những phẩm chất cao quý của con người. Hãy biến lòng hiếu thảo thành hành động thiết thực để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu hạnh không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cha mẹ mà còn là cách để gieo trồng phước đức cho bản thân và cho thế hệ mai sau.
5. Sống vui vẻ bố thí
Đức Phật đã dạy: Hàng ngàn ngọn nến có thể được thắp sáng bởi một ngọn nến và cuộc đời của ngón nến ấy không bao giờ lụi tàn. Hạnh phúc không bao giờ cạn đi nếu ta biết cho đi. Theo lời dạy của Phật, ta cũng có thể hiểu rằng hạnh phúc đích thực không phải là chúng ta vơ vào thật nhiều cho mình, mà ngược lại là khi ta biết sẻ chia, sống tử tế và và biết yêu thương mọi người xung quanh.
Cho đi không chỉ giới hạn ở vật chất, mà còn là sự sẻ chia tinh thần. Bớt đi những toan tính, bớt đi những ham muốn cũng là một loại cho đi. Học được cách cho đi như thế này đây, ta cũng sẽ có được sự thanh thản cho tâm hồn. Khoan dung với lỗi lầm, hoan hỉ với niềm vui của người khác cũng là một loại cho đi. Và như thế ta cũng đã gieo mầm hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh cuộc sống.
Trên hành trình trưởng thành, ta sẽ dần nhận ra rằng hạnh phúc không chỉ đến từ việc nhận lấy, mà còn được bồi đắp bởi sự sẻ chia. Khi ta biết cho đi với tâm hồn rộng mở, không toan tính thiệt hơn, niềm hạnh phúc ấy sẽ lan tỏa và trở lại với ta gấp bội phần. Như thế, việc cho đi dựa trên nền tảng của trí tuệ chính là phước báu cao quý nhất mà con người có thể vun đắp cho cuộc đời mình.
6. Tránh không làm điều ác
Hãy nhớ rằng đời người có vay có trả, luật nhân - quả không chừa một ai. Kỳ thực, mọi sự hiện hữu trên thế gian này đây đều vận hành dưới quy luật Nhân Quả. Bất kể bạn là ai, là người theo đạo hay không theo đạo, tất cả những gì bạn đang đối diện ở hiện tại chắc chắn là kết quả của “nhân” được gieo trong quá khứ.
Có những kẻ si mê, chìm đắm trong dục vọng, để lòng tham vô đáy dẫn lối. Họ gieo rắc điều ác, gieo mầm khổ đau cho chính mình và cho người. Sa đọa, tù tội, bất hạnh chính là kết quả hiển nhiên cho những nghiệp xấu họ tạo ra.
Ví như đã có rất nhiều câu chuyện về hai người bạn thân nhậu say, vì lời phật lòng mà dẫn đến án mạng thương tâm là minh chứng cho điều đó. Trong cơn say, họ đánh mất kiểm soát bản thân, để bản năng hung ác lấn át lý trí, gieo rắc đau khổ cho chính mình và cho người khác.
Vì vậy, khi đối mặt với những vấn đề kích cầu cảm xúc: khiến bản thân quá vui, quá giận hay quá buồn,... Bạn hãy dành cho bản thân một khoảng lặng để chậm lại và tỉnh lại. Hãy soi xét nội tâm, nhìn nhận xem liệu bản thân đang bị chi phối bởi Tham - Sân - Si hay không. Nếu cảm thấy tâm mình đang dao động quá mức, vậy thì hãy tránh đưa ra những quyết định hệ trọng khiến bản thân có thể hối hận sau này.
Để có thể làm chủ tâm mình một cách hiệu quả, bạn có thể tham gia các khóa thiền Vipassana (thông thường là 10 ngày) để học cách quán tâm, làm chủ cảm xúc bằng cách đưa Chánh Niệm vào từng phút giây, từng hơi thở. Ngoài ra, khóa học Chánh Kiến 2 tại Viện đào tạo Bách Khoa BKE cũng có thể giúp bạn nắm vững phương pháp thực hành thiền Chánh Niệm, phát triển EQ chỉ trong 2 ngày tại lớp. Rất phù hợp cho những bạn mong muốn đi thiền nhưng chưa có thời gian.
Gieo nhân thiện lành gặt điều thiện lành, gieo điều xấu ác ắt gặp khổ đau. Hiểu rõ điều này, bạn sẽ biết cách gieo trồng phước đức ở đời một cách hiệu quả nhất.
7. Biết khiêm cung lễ độ
Cổ nhân ví von rằng đời người như "giọt nước" trong "đại dương" bao la. Ý ám chỉ rằng dù đời người có am hiểu đến đâu, ta cũng chỉ là phần nhỏ bé trong kho tàng tri thức vô tận. Người nào ở đời mà thiếu tính khiêm nhường sẽ co gọn giới hạn của bản thân, mãi mãi chìm đắm trong ảo tưởng mà không màng đến việc học tập phát triển.
Có một câu chuyện rất hay về thói tự mãn như thế này. Một Phật tử có trình độ học vấn thâm sâu, nghe nói trong ngôi chùa nọ có một vị lão thiền sư đức cao vọng trọng liền muốn tới viếng thăm. Tới nơi, chỉ có học trò của lão thiền sư ra tiếp người đó. Thái độ của người này trở nên ngạo mạn, nghĩ trong đầu: "Mình là Phật tử có trình độ thâm sâu, liệu ông ta xếp thứ mấy?"
Sau đó, lão thiền sư ra tiếp đón người này vô cùng cung kính, còn tự tay pha trà mời khách. Nhưng khi đang rót trà, rõ ràng ly đã đầy mà lão thiền sư vẫn không ngừng tay rót. Người kia thấy vậy mới hỏi: "Đại sư, tại sao ly đã đầy mà ông vẫn không ngừng rót?"
Đại sư trả lời: "Đúng vậy, nếu đã đầy rồi, còn rót làm gì nữa chứ?" Ý của vị thiền sư là, nếu người kia đã có trình độ cao siêu, sao còn phải đến chỗ ông thỉnh giáo làm gì?
Trong cuộc sống, nếu như muốn học được nhiều thứ hay ho hơn ngoài thế giới, ta trước hết phải tự biến mình thành "một cái ly rỗng" thì mới có thể chứa đựng được những kiến thức mới.
Một người khiêm tốn cũng như vậy, họ luôn nhìn nhận bản thân với tâm thế "học hỏi", biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản thân. Sống với thái độ khiêm nhường cũng chính là một trong những cách gieo trồng phước đức hữu hiệu nhất, tạo nền tảng cho sự thành công và hạnh phúc trong tương lai.
8. Kiên trì làm việc tốt
Không chỉ tránh xa những điều ác, mà chúng ta còn phải kiên trì làm việc thiện để tích lũy phước đức cho cuộc đời mình. Thế nhưng nếu không đủ trí tuệ và trải nghiệm, chúng ta rất dễ đi vào con đường tà kiến (thấy biết sai lệch).
Mong muốn làm điều thiện là điều đáng quý, nhưng "lòng tốt mù quáng" có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Chẳng hạn, một số nhà hảo tâm tích cực quyên góp tiền bạc cho người khốn khó với mong muốn giúp đỡ họ cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ nhân quả, hành động này vô tình tạo nên "nhân" cho thói ỷ lại, tâm phụ thuộc ở người nhận.
Những người được nhận trợ cấp, nếu không có nghề nghiệp và giáo dục để tự lập, sẽ dần trở nên phụ thuộc vào lòng tốt của người khác. Khi nhận được tiền từ hoạt động từ thiện, họ sẽ tiếp tục trông chờ và bám víu vào sự hỗ trợ này, thay vì tự mình nỗ lực để cải thiện cuộc sống.
Thiện ý đơn thuần không đồng nghĩa với hành động đúng đắn. Vì thế, ta cần tìm cho mình những người thầy hiền trí, những bậc thánh hiền để đi theo học hỏi, tránh lầm đường lạc lối. Việc tìm được những bậc hiền trí giúp ta khai mở Chánh Kiến (góc nhìn đúng đắn), chỉ cho ta thấy cái xấu tốt, đúng sai cũng là một duyên lành trong đời. Bởi có như thế, ta mới có thể tránh được những việc gây hao tổn phước báu, lấp đầy “ngân hàng” phước đức của bản thân.
9. Có lối sống tỉnh thức
Nhiều người dành cả một quãng đời của họ để làm việc cật lực, hy sinh tuổi thanh xuân, sức khỏe, nhưng lại vô tình lãng quên việc tu dưỡng tâm hồn, quán chiếu bản ngã. Vì thế khi nghịch cảnh ập đến, họ chỉ biết oán trách số phận, than van trời đất.
Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta cách gieo trồng phước đức bằng cách luôn tỉnh thức trong mọi việc làm. Khi gặp bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống, bạn phải hiểu nó đến từ một nhân nào đó đã được gieo từ trước. Bạn nên tự hỏi rằng: Mình đã làm gì để nhận lại quả này? Tại sao mình gặp chuyện này? Nguyên nhân đâu mà có?
Và khi bạn bắt đầu khởi lên những câu hỏi như vậy, nghĩa là bạn đã biết nhìn nhận lại chính mình để đặt được câu hỏi đúng và đi tìm câu trả lời cho nhân mình đã gieo. Còn không, bạn sẽ luôn đổ lỗi ra bên ngoài và sống trong tâm thế nạn nhân. Đáng tiếc là, không có ai sống trong tâm thế nạn nhân mà thành công hay hạnh phúc cả.
10. Làm việc cùng mọi người (không gây thị phi, mâu thuẫn)
Theo lời dạy của Phật, người biết tạo phước là người rèn luyện tâm hồn thanh tịnh, gieo mầm thiện lành bằng thái độ khiêm cung, hòa nhã, luôn hướng đến lợi ích chung khi làm việc cùng người khác.
Theo đó, những người như thế không bao giờ so sánh thiệt hơn khi làm việc trong cùng một tập thể, bởi họ hiểu rằng, mỗi người đều có giá trị riêng, đều xứng đáng được tôn trọng. Họ sẵn sàng đặt cả trái tim vào những công việc hướng thiện, hướng tới lợi ích chung cho toàn thể chứ không khư khư giữ lợi cho chính mình.
Khi mâu thuẫn nảy sinh, họ vẫn giữ tâm thế an nhiên, tìm cách giải quyết vấn đề sao cho thuận hòa đôi bên. Họ hiểu rằng, hơn thua chỉ mang đến khổ đau, oán hận, mà không giải quyết được vấn đề. Thay vì cố gắng chiến thắng để thỏa mãn bản ngã, họ chọn cách dứt bỏ những ham muốn sân si, hướng đến sự thanh thản trong tâm hồn.
Và điều quan trọng nhất trong việc tạo phước đức chính là dứt bỏ phiền não từ việc ham thích tranh đua. Phiền não như đám mây mù che lấp trí tuệ, khiến con người vướng vào những hành động sai trái. Khi tâm hồn thanh tịnh, con người sẽ có đủ sáng suốt để lựa chọn con đường thiện lành, hướng đến hạnh phúc đích thực.
Lời kết
Trên đây là 10 cách gieo trồng phước đức theo lời Phật dạy. Phước đức là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc và an lạc. Khi gieo trồng phước đức, chúng ta không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho cả gia đình và xã hội.
Hãy áp dụng những cách gieo trồng phước đức này vào cuộc sống của bạn để có được một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa. Hãy nhớ rằng: “Gieo nhân nào gặt quả nấy”, gieo phước đức ắt sẽ nhận được quả tốt đẹp cho chính mình và cho cả người xung quanh.