Đất nước Ấn Độ có một vị thế địa lý rất đặc biệt. Đó là lưng dựa vào dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ nhất thế giới, mặt nhìn ra Ấn Độ Dương biển cả mênh mông, lại còn có 2 con sông lớn là Ấn Hà và Hằng Hà, chính là cái nôi của nền văn minh nông nghiệp thời cổ đại.
Mang nét huyền bí phương Đông, đất nước Ấn Độ ẩn dấu những nét văn hoá tôn giáo, kiến trúc và lịch sử lâu đời, những truyền thuyết chất chứa sức quyến rũ riêng biệt, những phong tục độc đáo…
Ấn Độ được xem là chốn địa linh nhân kiệt và có nhiều vĩ nhân ra đời như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Mahatma Gandhi, hiền triết Jiddu Krishnamurti, thi hào Rabindranath Tagore, v.v… Đây cũng là nơi hình thành các tôn giáo, trường phái triết học lớn và lâu đời nhất thế giới.
Sau đây là 5 quy luật sống hạnh phúc của người Ấn Độ được hành giả Poonacha Machaiah ghi chép lại trong suốt quá trình 7 năm tìm kiếm và thụ nhận từ các bậc thầy tâm linh ở Ấn Độ.
1. Quy luật của sự can đảm
Trong cuộc sống, chúng ta thường mang theo ta những gánh nặng của sự sợ hãi. Nỗi lo lắng và sợ hãi xuất hiện ở mọi lĩnh vực như về tài chính, sức khỏe, mối quan hệ đến những nỗi lo về tương lai và những điều không chắc chắn.
Hậu quả của những nỗi sợ hãi này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, và rối loạn stress hậu sang chấn.
Đức Phật từng dạy rằng: Có 4 loại suy nghĩ khiến chúng ta sợ hãi
- Suy nghĩ về sinh và diệt (lo lắng về cái chết và sự kết thúc)
- Suy nghĩ về đến và đi (lo ngại về sự thay đổi, mất mát)
- Suy nghĩ về khác nhau và giống nhau (so sánh)
- Suy nghĩ về có và không (dẫn đến ganh tị và ham muốn)
Cả bốn suy nghĩ này đều phục vụ cho sự sinh tồn của con người. Tuy nhiên, con người là loài động vật cấp cao, do đó có thể tự nhận thức được cơ chế sợ hãi này, dùng tư duy để phán đoán tình huống xảy ra và lựa chọn hành động.
Việc đối diện và bước qua nỗi sợ là một bước quan trong và hành trình cần thiết để chúng ta trưởng thành về mặt tâm thức. Khi chúng ta hành động có ý chí, làm chủ nỗi sợ hãi của mình là lúc chúng ta phát huy khả năng tư duy và óc sáng tạo của mình để học hỏi.
Nếu chúng ta chỉ ở mãi trong vòng tròn an toàn và không dám vượt qua nỗi sợ, thì chúng ta sẽ bị giới hạn trong những điều quen thuộc, không học hỏi thêm được điều gì và lãng phí những khả năng tuyệt vời mà tạo hoá đã ban tặng.
Đó chính là quy luật của sự can đảm.
2. Quy luật của sự cân bằng
Quy luật của sự cân bằng là một nguyên tắc cơ bản không chỉ trong vật lý mà còn trong cuộc sống, tâm linh và tâm lý học. Điều này được minh họa rõ ràng qua Định luật III của Newton về chuyển động: mỗi hành động đều có phản ứng tương đương.
Trong thế giới tự nhiên, chúng ta thấy sự cân bằng này qua chu trình sinh tử, sự thay đổi của mùa và chu kỳ của nước. Ở phạm vi lớn hơn, Swami Vivekananda từng mô tả: “Vũ trụ như đại dương trong thế cân bằng hoàn hảo. Một con sóng cuộn trào ở nơi này sẽ tạo ra khoảng lõm ở nơi khác. Tổng năng lượng của vũ trụ vẫn không thay đổi từ đầu này tới đầu kia. Nếu bạn lấy đi ở một nơi, bạn sẽ phải trả lại ở nơi khác.”
Trong cuộc sống, quy luật cân bằng cũng có thể được quan sát thông qua công việc và cuộc sống cá nhân. Một người làm việc quá sức có thể đạt được thành công nghề nghiệp, nhưng đôi khi phải trả giá bằng sức khỏe hoặc gãy đổ trong các mối quan hệ.
Về mặt tâm linh và tâm lý học, quy luật cân bằng nói rằng: nếu chúng ta chỉ sống theo những ham muốn và nhu cầu cá nhân mà không quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ không nếm trải được hương vị của sự hạnh phúc và luôn cảm thấy thiếu thốn, đau khổ. Ngược lại, việc quan tâm và giúp đỡ người khác có thể mang lại niềm vui, sự mãn nguyện, tạo nên một đời sống tinh thần lành mạnh và cân bằng.
Quy luật cân bằng cũng là một cách thể hiện của luật Nhân quả. Tức khi chúng ta gieo xuống bất cứ hành động, lời nói, suy nghĩ nào, sẽ luôn luôn có hậu quả đi kèm cho những hành vi đó.
Hậu quả của hành động đó có thể không thể hiện ngay lập tức nhưng sẽ biểu hiện dần theo thời gian. Ví dụ, một người thường xuyên nói dối có thể tạo ra một môi trường không đáng tin cậy, dần dần họ đánh mất lòng tin của người khác, và lâu dần sẽ bị mọi người xa lánh. Hay những người thường xuyên giúp đỡ người khác thì lâu dần sẽ tạo nên những mối quan hệ tốt, họ cũng sẽ thành công hơn trong công việc và cuộc sống.
Sự cân bằng đòi hỏi chúng ta cần quan tâm đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Dù trong lĩnh vực tinh thần, cảm xúc, đời sống, công việc, duy trì được cân bằng là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hài hòa và ý nghĩa. Chúng ta phải học cách giữ lấy sự cân bằng trong tất cả mọi việc.
3. Quy luật vật chất
Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường thấy một cuộc đua không ngừng về việc sở hữu những thứ đắt đỏ từ xe hơi, nhà cửa, thiết bị công nghệ... Mặc dù vật chất đang mang lại sự thoải mái và tiện nghi cho con người, nhưng so với các thời đại trước hình như con người vẫn chưa tiến thêm được bước nào trên con đường hạnh phúc.
Nhiều người dần nhận ra rằng lòng tham muốn vật chất không bao giờ có điểm dừng. Họ bắt đầu cảm thấy trống rỗng và không hài lòng dù sở hữu nhiều thứ.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là câu chuyện của những người thành công. Họ đứng trên đỉnh cao danh vọng, có đầy đủ tiền tại vật chất nhưng họ vẫn cảm thấy trống vắng. Nhiều người đã chọn cách tự tay kết thúc sinh mạng của mình vì quá bế tắc.
Có bao giờ chúng ta thỏa mãn với cơn khát vật chất? Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi ham muốn bất tận này?
Quy luật vật chất nhắc nhở chúng ta rằng sự thỏa mãn và hạnh phúc không phải chỉ đến từ những thứ chúng ta sở hữu, mà đến từ sự cảm nhận trong tâm hồn.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của lòng tham, chúng ta cần học cách giảm bớt sự phụ thuộc vào vật chất và tập trung vào những giá trị tinh thần. Học cách sống đơn giản và biết đủ.
Việc nhận ra rằng hạnh phúc thực sự không phụ thuộc vào số lượng hoặc giá trị của tài sản vật chất mà chúng ta sở hữu, mà nằm ở sự hài lòng và bình an nội tâm là bước quan trọng trong việc thực hành và thấu hiểu quy luật vật chất. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn góp phần tạo ra một xã hội lành mạnh và bền vững, nơi mọi người không chỉ theo đuổi lợi ích vật chất mà còn trân trọng giá trị tinh thần và mối quan hệ con người.
4. Quy luật của sự hài lòng
"Chúng ta luôn so sánh thực tại của mình với cái tương-lai-mình-nên-là. Sự so đo chính mình với người khác là một trong những nguyên nhân chính gây ra nỗi bất an nội tâm. Vì sao có sự so sánh triền miên này? Nếu không so sánh mình với người khác, bạn sẽ là chính bạn." – Krishnamurti
Chúng ta sống phần lớn cuộc đời mà không biết chúng ta là ai và thường so sánh mình với kẻ khác. Cả hai việc này đều hoang phí sinh lực và hoàn toàn vô ích.
Sự hài lòng có nghĩa là tồn tại trong xã hội đầy bấp bênh và hỗn độn mà không hề phán xét hay so sánh mình với người khác. Sự hài lòng là chấp nhận tất cả chúng ta đều có chỗ đứng riêng trong thế giới này và có con đường riêng của mình để bước đi. Không người nào có dấu vân tay giống người khác, vậy tại sao phải bận tâm cố gắng để so đo với người khác?
Nhân loại chia sẻ ánh sáng mặt trời với nhau; ánh sáng mặt trời không phải của bạn cũng không phải là của tôi. Nếu tất cả chúng ta gặt hái được những lợi ích từ năng lượng của sự sống, vậy tại sao chúng ta có thể không thể hài lòng với cuộc sống của chính mình cùng những người xung quanh?
5. Quy luật của sức mạnh ý chí
William Shakespeare đã từng nói, "Chúng ta là ai là tùy thuộc vào chúng ta. Cơ thể chúng ta là những khu vườn mà ý chí chính là những người làm vườn."
Chúng ta không thể thay đổi những gì sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta có sức mạnh ý chí để thay đổi cách hành xử và thái độ khi đối diện nó.
Một ví dụ cụ thể cho câu nói này là câu chuyện của Nick Vujicic, một diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng trên thế giới. Nick sinh ra không có cả hai tay và hai chân, một hoàn cảnh mà anh không thể thay đổi. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng trước nghịch cảnh, Nick đã sử dụng sức mạnh ý chí để thay đổi thái độ của mình đối với cuộc sống. Anh không chỉ học cách thực hiện các hoạt động hàng ngày mà còn trở thành một người truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới.
Nick đã chọn không tập trung vào những hạn chế của mình, mà thay vào đó, anh tập trung vào khả năng và điểm mạnh của bản thân. Anh đã học cách bơi, lướt ván, và thậm chí là chơi golf. Hơn nữa, thông qua các bài phát biểu và sách của mình, Nick Vujicic đã chia sẻ thông điệp về việc vượt qua nghịch cảnh và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Sức mạnh ý chí cũng được biểu hiện ở năng lực kỷ luật tự thân. Ví dụ khi một người muốn từ bỏ thói quen hút thuốc lâu năm. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn kiên trì theo đuổi quyết định của mình. Thực hiện một thói quen lành mạnh mới hay từ bỏ một thói quen xấu đều cần sức mạnh ý chí.
Trong tâm lý học, sức mạnh ý chí cũng được xem là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi. Nó giúp con người vượt qua những cảm xúc tiêu cực, đối mặt với áp lực và đi tới mục tiêu của chính mình.
“Chúng ta không được lựa chọn hoàn cảnh khi sinh ra nhưng được quyền lựa chọn nhân cách sống”
Kết
5 Quy luật sống hạnh phúc của người Ấn Độ không chỉ phản ánh tinh hoa văn hóa và tâm linh của Ấn Độ mà còn là những bài học quý giá để đạt tới một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
Áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên nội tâm, biết cách phát triển bản thân theo chiều sâu và kiến tạo một cuộc sống ý nghĩa.