Xã hội và quan niệm số đông cho rằng, đã sống thì cần phải có chí lớn, cần có lý tưởng và làm nên sự nghiệp lớn. Người nào không theo đuổi mục tiêu này thì được cho là nhụt chí, an phận, thiếu cầu tiến.
Tuy nhiên liệu có bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: Chúng ta theo đuổi những mục tiêu, lý tưởng để làm gì? Để thành công hay hạnh phúc? Nếu đuổi theo tham vọng nhưng đánh mất đi chính mình, đặc biệt không cảm nhận được hạnh phúc thì liệu có xứng đáng?
Theo đuổi lý tưởng thành công
Một trong những định nghĩa phổ biến nhất về thành công đó là có một sự nghiệp vững vàng, ổn định; một công việc lương cao, dư dả để lo được cho cuộc sống và gia đình. Tuy nhiên cũng trên hành trình chúng ta rơi vào những cạm bẫy, ngộ nhận và đánh mất chính mình lúc nào không hay.
Khi chưa có đủ điều kiện kinh tế chúng ta lo lắng cho cơm áo gạo tiền. Nhưng khi có điều kiện sống tương đối dư dả rồi thì chúng ta chạy theo nhu cầu hưởng thụ gia tăng, muốn những thứ tốt hơn, đẹp hơn, xịn hơn. Chúng ta muốn có những căn nhà với đầy đủ tiện nghi, muốn chạy chiếc xe mắc tiền hơn và mua sắm những phương tiện hiện đại nhất.
Mặt khác, chúng ta cũng đi tìm kiếm sự ngưỡng mộ, công nhận và trọng vọng từ người khác. Chúng ta mong muốn được công nhận về tài năng, sự quan trọng và cảm thấy hãnh diện khi được người khác ngưỡng mộ.
Chính vì vậy từ một mục đích ban đầu là chăm lo cho đủ nhu cầu đời sống thì nay chúng ta tin lầm theo những tư tưởng xã hội cho rằng thành công là có đời sống vật chất đủ đầy, được danh vọng và địa vị….
Có bao giờ chúng ta chậm lại để cảm nhận cuộc sống quá nhiều điều phải tính toán, lo toan? Càng thành công, càng có chức vụ cao thì chúng ta càng có nhiều nỗi lo lắng công việc bộn bề níu lấy khiến chúng ta không thể dứt ra. Có lẽ những vị sếp, chủ doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất điều này.
Guồng quay bận rộn của xã hội khiến chúng ta không có thời gian dành cho gia đình. Ngày nay càng có nhiều cuộc ly hôn hơn, con cái và bố mẹ ngày càng có nhiều khoảng cách.
Đôi khi chỉ vì những sai lầm nhỏ, trót rơi vào những cám dỗ mà chúng ta phải trả giá là hạnh phúc gia đình, tiêu tán sự nghiệp...
Chúng ta đã từng chứng kiến không ít người sẵn sàng đánh mất lương tri, gạt bỏ tình thân vì tranh chấp, mâu thuẫn và muốn xâm phạm vào quyền lợi của nhau.
Vậy theo đuổi lý tưởng thành công nhưng đánh mất rất nhiều điều quý giá trong cuộc sống, đặc biệt là hạnh phúc gia đình, mối quan hệ thân thiết, và giá trị tâm hồn liệu có đáng?
Từ tham vọng đến nô lệ cho tâm trí
Cho đến khi đạt được sự đầy đủ về tiện nghi, chúng ta mới thấy rằng sự đầy đủ bên ngoài không thể khỏa lấp, bù đắp được những thiếu thốn bên trong.
Càng chạy theo những đối tượng bên ngoài tâm trí chúng ta càng phải vắt kiệt sức lực để xử lý công việc và ngày càng mệt mỏi, rệu rã…
Cũng có khi chúng ta tạm hài lòng về vật chất nhưng khi đó tâm trí lại lại đuổi theo và nắm bắt những nhu cầu khác về tinh thần như: muốn nhận được sự công nhận, sự đề cao và ngưỡng mộ... Nếu chưa đạt được những điều đó chúng ta thường so sánh, so bì, đố kỵ rất mệt mỏi, thậm chí ra sức dùng chiêu trò, xu nịnh, luồn lách để đạt được mục đích.
Chúng ta hết phản ứng từ chuyện này tới chuyện khác, như một con rối của những tập khí sân giận, mong muốn, thèm khát… Càng cố gắng, càng ra sức nỗ lực hình như chúng ta càng chìm sâu với sự loạn động của tâm trí. Chúng ta có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng với điều đó?
Chúng ta không còn là người làm chủ suy nghĩ, tâm trí của mình và ngược lại bị nó đứng đằng sau, giật dây, chi phối.
Khi chúng ta còn chưa có khả năng trở về với sự thảnh thơi, định tĩnh, trong sáng, chừng ấy chúng ta sẽ còn trôi lăn mệt nhoài với những tác nhân, ngoại cảnh của đời sống.
Sự cân bằng giữa bên trong - bên ngoài
Vai trò đích thực của mình là người làm chủ tâm trí và cảm xúc. Đó vốn là hai công cụ tuyệt vời mà tạo hoá đã ban tặng cho loài người để thực hiện vô vàn những trải nghiệm sống động trên thế giới.
Nhưng không may, nhiều năm tháng sống trên cuộc đời, chúng ta đã lập trình những thói quen phản ứng ăn sâu vào tiềm thức. Đến mức chúng ta tự đồng hoá và cho rằng mình chính là những phản ứng đấy. Và trở thành nô lệ cho chúng. Hành động, nói năng, làm việc chịu sự giật dây, chi phối của chúng.
Điều đó sẽ khiến chúng ta ngày càng đi xa hơn bản chất chân thật của chính mình!
Tất cả những hoạt động, trải nghiệm trong đời sống này không có gì là sai. Chỉ vì chúng ta quên đi chức năng làm chủ tâm trí, cảm xúc và cơ thể này để minh định được điều gì là tốt đẹp đáng làm, điều gì nên tránh nên chúng ta mới đi lầm và rơi vào khổ. Một cách tự nhiên chúng ta luôn biết rằng, khi nào chúng ta khổ, nhưng chúng ta cứ phớt lờ những dấu hiệu này. Chúng ta tiếp tục gồng mình lên, chịu đựng để tiếp tục làm nô lệ cho tâm trí và những mục tiêu ảo vọng, viễn cảnh mà nó tạo ra.
Chỉ cần dừng lại một chút, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta không cần phải gồng lên, căng thẳng và khổ sở như vậy! Bản chất của chúng ta là sự thuần khiết, trong sáng, lúc nào cũng có sẵn. Chỉ cần chậm lại một chút, lắng tâm lại chúng ta sẽ quay về và kết nối được với sự tĩnh tại, sáng suốt bên trong.
Bằng cách thật sự nghiêm túc nhìn nhận lại chính mình, trung thực với chính mình rằng mình có đang “khổ” điều gì không? Khổ chính là một dấu hiệu tuyệt vời để chúng ta quay trở về khám phá lại bản chất thật của chính mình. Để nhận ra và biết buông bỏ những ảo tưởng đang trói buộc chúng ta.
Hãy quay về với bản chất của mình, để tìm lại nguồn năng lượng sống dồi dào vốn sẵn có bên trong, để lúc nào bạn cũng có đủ sinh lực để làm việc. Kết nối được với nguồn năng lượng đó thì bạn thực hiện hoạt động gì bên ngoài cũng sẽ luôn giữ được sự cân bằng, và đạt đến thành công một cách hạnh phúc!
Các bạn sẽ thực hiện được những “hoài bão, khát khao” với sự quân bình, bình an chứ không phải là sự căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, bất an. Đây là điều rất quan trọng mà không phải ai cũng biết về mối quan hệ giữa Bên Trong và Bên Ngoài!
Kết,
Lý tưởng là những mong muốn và là động lực để thúc đẩy cuộc sống. Chúng ta rất cần những hoài bão, ước mơ lớn để thực hiện nhiều điều ý nghĩa, tốt đẹp cho cộng đồng và chính mình. Tuy nhiên liệu có thể vững chãi, làm chủ và tự tại được trên hành trình đó hay không phụ thuộc vào bản lĩnh và trí tuệ của chúng ta. Gốc rễ là thế giới bên trong, khi nội tâm các bạn bình ổn, chắc chắn, sáng suốt thì thế giới bên ngoài cũng sẽ thành tựu và tốt đẹp.
Những bạn nào muốn hiểu sâu về Cơ chế Thân tâm, hiểu rõ cách cảm xúc, suy nghĩ đang vận hành thì vào lớp Chánh Kiến 1 nhé. Chúng ta sẽ đặt nhiều câu hỏi, phản biện lại nhiều vấn đề trong đời sống mà toàn bộ xã hội đang cho là đúng, liệu có thực sự đúng?
Lớp Chánh Kiến 1 là lớp gốc rễ nhất. Sẽ trao cho các bạn tấm bản đồ 70 năm trên hành trình cuộc đời để sống sâu sắc và ý nghĩa!