Làm cha mẹ dù ở bất cứ giai đoạn nào cũng có không ít các lo lắng. Tình trạng ương bướng, hỗn láo, mất kết nối… của nhiều bạn trẻ khi bước vào giai đoạn này rất phổ biến. Đặc biệt nhiều ba mẹ hiện nay bị mất kết nối với con, lâu dần điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc cũng như những hệ lụy về sau. Chẳng hạn như con tự tìm hiểu nhiều vấn đề rồi hiểu sai lệch, đua đòi theo đám bạn xấu. Tương lai con sẽ được quyết định phần lớn ở giai đoạn này. Chính vì vậy, ba mẹ cần tìm hiểu cặn kẽ những cách dạy con tuổi dậy thì để có được sự chuẩn bị cũng như cách ứng xử thật sự hợp lý.
Đừng quá áp đặt con
Ba mẹ thường cho mình cái quyền là con phải thế này, con phải thế kia nhưng trên thực tế ở giai đoạn dậy thì con đã biết nhận định được điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Sự can thiệp của ba mẹ có thể gây ra những tác động ngược như cãi lại, không vâng lời, im lặng… Điều này kéo dài có thể gây ra sự mất kết nối - điều mà hiện nay đang gặp phải ở rất nhiều gia đình.
Những lời áp đặt chỉ khiến con rời xa bạn nhanh hơn
Đặc biệt ở giai đoạn này tâm sinh lý thường có những thay đổi thất thường, tâm hồn các con thường nhạy cảm dễ tổn thương nên không nên quá áp đặt con, không nên dùng những lời lẽ nặng nề khi con không nghe lời.
Chẳng hạn thay vì khó chịu khi con bắt đầu sử dụng thuốc lá thì bạn cần đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng. Hãy nói trong sự bình tĩnh, đặt mình ở vị trí của con mà khuyên nhủ, có thể một lần không được thì hãy kiên trì hơn ở những lần tiếp theo. Đồng thời chỉ ra rõ giới hạn và những điều cấm kỵ mà con không nên làm ở độ tuổi này. Tuyệt đối không nên quá phản ứng trước những hành động ngỗ nghịch dễ gây phản ứng ngược không có lợi cho mối quan hệ giữa bạn với con. Nhưng cũng không nên quá buông lỏng rất dễ khiên con sa ngã vào những thói hư tật xấu.
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con
Thay vì con phải làm thế này, con phải thế kia thì cách dạy con tuổi dậy thì mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng phải áp dụng đó là lắng nghe con nhiều hơn. Chúng ta có thói quen dạy con theo bản năng, dạy con theo những gì mình đã biết từ trước đó. Nhưng bạn cần hiểu rằng hoàn cảnh xã hội cũng như sự phát triển thế hệ có sự khác biệt.
Việc dùng các tiêu chuẩn cũ để áp đặt khiến con chán ghét và sẽ có phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn như cãi lại, chống đối hay thậm chí vùng vằng bỏ nhà đi… Đây là biểu hiện nổi loạn tuổi dậy thì rất phổ biến. Chính vì vậy muốn con làm bạn cùng mình trong giai đoạn này bạn cần phải học cách lắng nghe con nhiều hơn.
Hãy luôn là người bạn của con
Ở độ tuổi dậy thì con gái hay con trai đều có xu hướng muốn chứng tỏ bản thân, thu hút sự quan tâm chú ý. Những biểu hiện như xỏ khuyên tai, nhuộm tóc, cắt một kiểu tóc phá cách… là một điều hết sức bình thường. Bạn nên có cái nhìn mới về việc này và tạo điều kiện để con có thể thay đổi theo những gì mà mình muốn.
Thay vì chỉ trích hãy ngồi lại để lắng nghe con như một người bạn. Điều này sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng và chia sẻ nhiều hơn. Việc bạn có con thỏa thích thể hiện cũng là cách để con tự tin hơn không chỉ trong học tập mà còn trong giao tiếp hàng ngày. Đây là một yếu tố rất tốt để hình thành một người trưởng thành tự tin về sau này.
Cùng con khám phá các thay đổi trên cơ thể
Giai đoạn dậy thì là giai đoạn cơ thể của con có rất nhiều thay đổi. Nhiều bạn có xu hướng hoang mang, bối rối về những sự bất thường trên cơ thể. Lúc này ba mẹ nên biết mình cần làm gì để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì một cách dễ dàng. Con có thể tự tìm hiểu những điều này thông qua bạn bè, trên mạng… nhưng việc chủ động hướng dẫn là cách thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển. Đồng thời đây cũng là cách rất tốt để định hướng cho con có những kiến thức đúng đắn ngay từ đầu với giai đoạn cực kỳ quan trọng này. Có thể nói đây là một giai đoạn quyết định không nhỏ đến sự hình thành tâm lý cũng như sự trưởng thành của con ở giai đoạn sau này.
Với con gái tuổi dậy thì hãy nói chuyện với con về kỳ nguyệt san đầu tiên, sự thay đổi về kích thước vòng một… Ngoài ra bạn cũng nên hướng dẫn cho con cách sử dụng những vật dụng cần thiết để con không quá bối rối khi những bất thường trên cơ thể đến. Cũng nên hướng dẫn cho con biết khi đau bụng kinh nguyệt thì con cần làm gì: dùng túi chườm nóng, dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn cho phù hợp.
Với con trai ở giai đoạn dậy thì da sẽ nhiều mụn, giọng nói trầm hơn, kích thước “cậu bé” cũng tăng lên… Việc chuẩn bị tâm lý bằng cách trò chuyện trước với con về những điều này là hết sức cần thiết.
Khi được cha mẹ chuẩn bị trước về mặt tâm lý thì không những con tự biết cách làm gì khi tình huống xuất hiện mà còn tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Con sẽ dễ dàng xem bạn như một người bạn và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, những thắc mắc, những điều tâm sự thầm kín.
Động viên con theo đuổi ước mơ của mình
Bản thân bạn cũng đã từng có ước mơ nhưng không phải ai cũng có cơ hội theo đuổi, hãy tạo điều kiện để con tìm được ước mơ của mình. Có rất nhiều cha mẹ không thực hiện được điều mà mình muốn và họ luôn tìm cách hướng con sẽ thực hiện được điều đó thay cho họ. Đừng biến con là người thực hiện thay ước mơ của mình vì sự kỳ vọng của bạn có thể giết chết tương lai của con trẻ.
Hãy luôn giúp con theo đuổi ước mơ của mình
Ba mẹ hãy theo dõi con thích làm gì, có năng khiếu gì để tạo điều kiện cho con được học, được làm và được thể hiện năng khiếu của mình. Sự khuyến khích, cổ vũ của cha mẹ chính là nguồn động lực to lớn để con thực hiện mơ ước của mình. Ngay cả khi con gặp khó khăn hãy là người đưa ra những lời khuyên đúng đắn, giúp con tự tin thực hiện điều mà mình thật sự mong muốn.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng ước mơ từ giai đoạn dậy thì sẽ có một khát khao cháy bỏng và làm việc, học tập bằng hết sức tâm huyết của mình. Ngược lại nếu phải làm những điều mà mình không thích thì con trai hay con gái đều có tâm trạng ức chế, mất tự tin… Đây là những điều có tác động không nhỏ đến tương lai của con về sau này.
Trao cho con quyền tự lập
Giai đoạn dậy thì là giai đoạn con bắt đầu bước đệm để bước vào giai đoạn trưởng thành vì vậy cha mẹ sẽ thấy con bắt đầu thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động của mình. Lúc này con sẽ mong muốn đưa ra ý kiến, tự quyết định những điều liên quan đến cuộc sống của mình: chọn trường, chọn ngành để thi, chọn nơi để chơi… Là cha mẹ bạn hãy tạo điều kiện để con được làm điều mình muốn, khuyến khích con nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng bạn cần là người định hướng và giúp con nhận ra được những giới hạn của việc cần làm và không nên làm.
Ba mẹ nên tận dụng giai đoạn này để hình thành cho con đức tính tự lập, tự đối diện với những khó khăn mà còn sẽ phải gặp trong cuộc đời này. Sự tự lập sẽ giúp con tự tin, trưởng thành… Đây là yếu tố không thể thiếu của một người thành công về sau này.
Trở thành người bạn của con
Ngoài cách hướng dẫn, dẫn dắt, chỉ bảo thì trong bất cứ giai đoạn nào bạn cũng nên trở thành một người bạn của con. Một người bạn đáng tin cậy sẵn sàng cùng con trải nghiệm qua những thay đổi của cơ thể, những bất ổn về tâm lý. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó đặc biệt đối với những người trước giờ chưa thực sự dành thời gian ở bên con.
Chỉ khi chúng ta chọn cách ở bên con, đặt mình ngang hàng với con thì ba mẹ mới có thể hiểu hết những tâm tư tình cảm. Từ đó thấy được những gì mà con cần để có thể đưa ra những lời khuyên thật sự chân thành.
Trong khóa học Dạy con 3 gốc chúng tôi đã gặp rất nhiều cha mẹ than phiền về tình trạng con ngỗ nghịch, khó bảo, mất kết nối ở giai đoạn này. Nhưng khi ba mẹ tự soi rọi chính mình, tự đặt mình vào vị trí của con, lắng nghe con, dành thời gian cho con nhiều hơn thì họ đã có sự khác biệt rõ rệt.
Chẳng hạn như chị Hiền Không Quạu một bà mẹ rất tâm huyết trong khóa học đã có cách cai nghiện game cho con rất hiệu quả ở giai đoạn này. Hai bé nhà chị cũng đang bước vào giai đoạn dậy thì, chị không chọn cách bắt con phải bỏ game mà chọn cách đồng hành, cùng con hình thành những thói quen tốt. Nhờ đó không chỉ giúp con bỏ được game mà còn xây dựng được môi trường sống lành mạnh cho cả nhà: dành thời gian chất lượng cho nhau, đọc sách cùng nhau…
Kết luận
Quả thật việc làm cha làm mẹ ở giai đoạn nào cũng có những khó khăn riêng. Khi con tuổi dậy thì càng khó vì lúc này con đã bắt đầu trưởng thành, ngày càng khẳng định cá tính riêng của mình. Chính vì vậy ba mẹ cần tìm hiểu nhiều hơn những phương pháp để có thể đồng hành cùng con một cách dễ dàng. Chỉ khi chúng ta thật sự hiểu con, thật sự đặt mình vào vị trí của một người bạn thì chúng ta mới có thể thật sự đồng hành cùng con trong hạnh phúc.