Giai đoạn mầm non (0-6 tuổi) là quan trọng để hình thành tính cách đầu tiên của trẻ. Môi trường sống trực tiếp ảnh hưởng đến tính cách của con.
Trong giai đoạn này, trẻ tò mò với mọi thứ xung quanh và dễ tiếp thu kiến thức mới. Đây cũng là thời điểm hình thành thói quen và tính cách qua hoạt động thể chất và tinh thần.
Trong giai đoạn này, các kỹ năng sống quan trọng sẽ giúp trẻ xây dựng nền tảng về hoạt động thể chất, giao tiếp và học tập. Đây là cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. Kỹ năng sống cho trẻ mầm non rất quan trọng cần được quan tâm và rèn cho con sớm ở trường học, tại nhà và trong mọi hoạt động, giúp khơi dậy tài năng tiềm ẩn của trẻ.
Dưới đây là những kỹ năng sống quan trọng dành cho trẻ ở giai đoạn mầm non:
KỸ NĂNG TỰ ĂN
Ăn là một hoạt động mỗi ngày trẻ đều phải tự chủ động ngồi vào bàn và tự xúc ăn cùng với ba mẹ, gia đình hay bạn bè tại lớp. Không khí bàn ăn vui vẻ giúp con thoải mái hơn khi ăn cũng như giúp con kích thích vị giác của mình.
Trong văn hóa bữa ăn của trường Tuệ Đức, các bạn nhỏ cũng được thực tập tự phục vụ và đọc lời biết ơn trước khi ăn. Điều này giúp con có trách nhiệm với phần ăn của mình, trân trọng thức ăn tránh lãng phí và nuôi dưỡng lòng biết ơn với người làm ra thức ăn.
Trên hết, ba mẹ hãy làm gương để con có nề nếp hay kỷ luật bàn ăn để con noi theo, trẻ thường có xu hướng “bắt chước” ba mẹ trong các hoạt động này.
Một số cách để rèn tự ăn uống cho trẻ:
Tự ngồi vào bàn ăn đúng giờ, đúng vị trí ngồi
Tự lấy chén, muỗng, đĩa
Tự ngồi ăn uống, có thể dùng tay và hướng dẫn dùng muỗng đũa dần cho bé
Tự dọn dẹp phần ăn thừa của mình
Tự rửa chén sau khi ăn
Tùy độ tuổi và tính cách mỗi bé mà ba mẹ hỗ trợ cùng để con có thể hoàn thành bữa ăn của mình trong sự vui vẻ và hào hứng.
KỸ NĂNG TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN
Tự chăm sóc bản thân từ việc nhỏ nhất như: rửa tay, thay quần áo, sắp xếp đồ dùng cá nhân, giáo cụ ngăn nắp, vệ sinh môi trường sống,…
Để có thể rèn kỹ năng tự phục vụ, tự lập từ những nhu cầu cơ bản nhất ba mẹ phải “trao truyền” cho con tự trải nghiệm các hoạt động chăm sóc bản thân. Ba mẹ không nên vội vàng giúp đỡ, không nên vội vàng cầm tay chỉ việc, không làm thay việc của con.
Hãy quan sát và kiên nhẫn khi con làm sai, làm chậm, vụng về, lóng ngóng và ở bên cạnh hỗ trợ khi thực sự cần thiết.
Không chỉ là kỹ năng nó con rèn con tính TỰ LẬP làm nền tảng vững chắc cho các kỹ năng khác, con đỡ mè nheo hay chờ đợi ba mẹ giúp. Nếu con chăm sóc được bản thân thì con sẽ biết cách tự lập với tất cả mọi việc, lớn lên con đi học rời xa vòng tay ba mẹ con cũng có thể chăm sóc tốt cho bản thân mình rồi con mới có thể biết cách chăm sóc được người khác như ông bà, ba mẹ….
KỸ NĂNG BƠI LỘI
Bơi lội là kỹ năng sinh tồn cơ bản ba mẹ cần quan tâm và cho trẻ học được trong giai đoạn mầm non vì rất nhiều tình huống không hay xảy ra cũng trong độ tuổi này. Tùy thể lực của bé ba mẹ có thể nhờ sự trợ giúp của những huấn luyện viên của hồ bơi hoặc thầy cô kỹ năng.
Ngoài kỹ năng bơi cơ bản thì các huấn luyện viên cũng sẽ nâng cấp trình độ bơi cho con để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp, bối rối ví dụ phổ biến như bị chuột rút…
Dưới đây là 1 clip của giáo viên kỹ năng Tuệ Đức thử thách kỹ năng nâng cao trong bơi lội của các bạn nhỏ (lớn hơn mầm non) để các bạn học cách xử lý các tình huống dưới nước.
Lưu ý: Nếu không có chuyên môn không nên thử cách này không có sự hỗ trợ của giáo viên chuyên môn.
KỸ NĂNG NÓI
Ngôn ngữ liên quan đến nghe và nói. Trẻ em phải phát triển kỹ năng nói để học đọc và viết, hiểu thế giới, truyền đạt thông tin, giao tiếp xã hội, bày tỏ cảm xúc và vui chơi.
Kỹ năng nói cũng là nền tảng để sau này con có thể tự tin thuyết trình, chia sẻ trước ba mẹ, thầy cô, trước đám đông … sẽ giúp con rất nhiều sau này lớn lên trong bất cứ công việc gì cũng đòi hỏi kỹ năng này.
Dưới đây là một số hoạt động nổi bật giúp con phát triển kỹ năng nói và ngôn ngữ:
Nói chuyện với con bạn thường xuyên để phát triển kỹ năng nói của chúng (ngữ pháp, từ vựng, v.v.)
Thảo luận về một ngày của con bạn ở trường, các sự kiện, bạn bè, v.v.
Trò chuyện thường xuyên về các chủ đề thú vị (ví dụ: cá mập ăn gì hoặc cây mọc như thế nào) và giới thiệu nhiều từ vựng mới.
Đặt cho trẻ nhiều câu hỏi để khơi gợi ý kiến cá nhân.
KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG THÔ
Trẻ em phát triển các cơ lớn trước các cơ nhỏ. Những năm đầu đời của trẻ nên có rất nhiều cơ hội để phát triển những kỹ năng vận động thô này. Một số hoạt động đơn giản ba mẹ có thể áp dụng giúp con phát triển như:
Chơi nhảy dây, leo núi mô hình, đi thăng bằng,…
Tham gia vượt chướng ngại vật trong vườn.
Chơi trò đuổi bắt.
Các trò chơi liên quan đến chạy nhảy vận động
Vận động thô giúp trẻ phát triển cơ bắp, thăng bằng, khả năng điều khiển và kết hợp toàn thân vận động, giúp trẻ có được sự tự tin và năng động cũng như phát triển thể chất khỏe mạnh. Đây cũng là hoạt động để con rèn Nghị Lực rất tốt.
KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG TINH
Các hoạt động vận động tinh giúp xây dựng sự phối hợp giữa mắt và các cơ nhỏ ở ngón tay và bàn tay. Điều này rất quan trọng cho việc học viết của con sau này. Khi trẻ mầm non đã phát triển tốt các kỹ năng vận động tinh, chúng có thể cắt, cầm bút chì giữa ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, mặc quần áo, thử viết và thực hiện các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là một số hoạt động giúp con phát triển kỹ năng vận động tinh:
Các hoạt động nghệ thuật với các công cụ và phương tiện đa dạng (sơn, phấn, sáp màu, cọ lớn, bọt biển, v.v.)
Cắt , dán, xé dán,…
Lắp ráp mô hình, xếp hạt,…
KỸ NĂNG SÁNG TẠO VÀ TƯ DUY
Sáng tạo là một kỹ năng quan trọng phải được kích thích theo thời gian. Nó không chỉ là về nghệ thuật, mà còn về tư duy và giải quyết vấn đề, những kỹ năng cần thiết trong suốt cuộc đời. Một vài ví dụ về các hoạt động khuyến khích con phát triển tư duy ba mẹ có thể tham khảo như:
Đặt nhiều câu hỏi trong thời gian kể chuyện để phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao, chẳng hạn như các câu hỏi về dự đoán kết quả, cách một nhân vật có thể giải quyết vấn đề, hành động sẽ dẫn đến kết quả gì (nguyên nhân và kết quả), v.v.
Chơi các trò chơi yêu cầu giải các bài toán hoặc câu đố.
Xây dựng câu đố.
KỸ NĂNG LẮNG NGHE
Học nghe là một kỹ năng rất quan trọng, không chỉ để học đọc mà còn để thích nghi với tất cả các khía cạnh của việc học ở trường. Lắng nghe là một trong những giác quan quan trọng cũng trẻ được phát triển, là nền tảng của thấu cảm và cũng là nền tảng cơ bản để phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ) được ươm mầm từ giai đoạn mầm non.
Ba mẹ có thể cho con chơi các trò chơi tập trung vào việc chăm chú lắng nghe thông tin như:
Nói một chuỗi mệnh lệnh và yêu cầu con bạn làm theo tất cả chúng theo thứ tự.
Vỗ một chuỗi hoặc tạo một loạt âm thanh trên trống và yêu cầu con bạn lặp lại.
Chơi một trò chơi mà con bạn lắng nghe bạn nói một danh sách các từ và lặp lại đầy đủ.
KỸ NĂNG QUẢN LÝ CẢM XÚC
Trong hoạt động hằng ngày của trẻ ba mẹ hãy lồng ghép những giá trị về mặt cảm xúc để trẻ cảm nhận, thấu cảm với môi trường xã hội, biết sự kết nối của mình với mọi thứ xung quanh.
Những hoạt động để phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc:
Trò chuyện để trẻ chia sẻ những cảm xúc trải qua trong ngày, cảm xúc trước một sự kiện hay tình huống xảy ra.
Dạy trẻ cách thể hiện tình cảm, sự quan tâm với bạn bè, người thân dưới tinh thần bé tự làm chứ không bắt ép.
Hướng dẫn trẻ giúp đỡ người khác
Ba mẹ có thể hướng dẫn con ngồi Thiền giúp sự tập trung trong học tập cao hơn, khả năng kiểm soát cảm xúc cũng được tăng lên
Đây là điểm xuất phát đầu tiên trong hành trình ươm mầm nhân cách của trẻ trong tương lai.
Lời khuyên dành cho ba mẹ
Để con được phát triển những kỹ năng này thì ba mẹ cũng phải kiên nhẫn trước những mối lo ngại thường trực như: Con té ngã, đồ ăn rơi vãi, con chưa làm gọn gàng, lóng ngóng tay chân…. Hãy bỏ qua những mong muốn kiểm soát, muốn hoàn hảo hoặc bao bọc con.
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho ba mẹ:
Một lần “buông tay” đầy yêu thương và hiểu biết của Ba Mẹ là trao cho con cơ hội để trưởng thành.
Để con trải nghiệm, khám phá, và trưởng thành thông qua các hoạt động thực tiễn hữu ích hằng ngày sẽ nhớ sâu hơn là thông qua sách vở hay những bài tập về nhà.
Con được vui chơi thỏa thích kẹp giáo dục để rèn luyện kỹ năng là cách tự nhiên nhất
Trẻ được tự do lựa chọn chủ đề mà mình muốn khám phá và phát triển năng lực theo nhịp độ của riêng mình.
Dành nhiều yêu thương và chú trọng bồi dưỡng tâm hồn của trẻ theo nguyên tắc yêu thương và tôn trọng – không nuông chiều, áp đặt mà nhẹ nhàng, kiên quyết để trẻ thấu hiểu nội tâm đồng thời thực sự tìm thấy hạnh phúc khi được tôn trọng đúng mực.
Kết nối, quan sát, thấu hiểu và tôn trọng trẻ là món quà quý giá mà ba mẹ có thể trao cho con trong giai đoạn này, hãy trang bị cho con những kỹ năng quan trọng để ươm mầm Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực bên trong con được nảy mầm để con vững chãi hơn, trưởng thành hơn.