Lễ Phật Đản hay còn gọi là lễ Vesak, là ngày kỉ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là một trong ba đại lễ lớn nhất trong năm của Phật giáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được nguồn gốc và ý nghĩa quan trọng của ngày Phật đản sinh. Hãy cùng xem hết video để hiểu hơn về ngày lễ này nhé.
Xuất thân của Đức Phật
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Cha ngài là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Maya - bà được cho là đã hạ sinh Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni vào ngày rằm tháng tư năm 624 TCN theo Phật giáo Nam tông, hoặc vào ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch theo Phật giáo Bắc tông. Được nuôi dưỡng và giáo dục để trở thành người kế vị ngai vàng, Thái tử Tất Đạt Đa thuở đầu được cho là người sẽ lãnh đạo tiểu quốc Thích Ca (Shakya) nằm ở vùng biên giới Ấn Độ - Nepal ngày nay, có kinh đô là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu).
Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả để dấn thân chứng nghiệm, khám phá bốn sự thật của cuộc đời, đó là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và phương pháp để chấm dứt sự khổ (Tứ diệu đế), giảng dạy về phương pháp cho con người có được hạnh phúc tương đối và đạt được hạnh phúc thực sự - nếu có ý chí, ngay trong cuộc đời này, được soi sáng bởi trí tuệ nhờ có chánh niệm, thực hành thiền định. Những lời dạy của Ngài vượt lên sự ràng buộc của các giáo điều thông thường, vượt thời gian, trở thành lối sống cho những ai muốn có được hạnh phúc thực sự cho bản thân, xã hội loài người hay là vạn vật muôn loài.
Chính vì thế, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư ở các quốc gia theo Phật giáo để kỷ niệm ngày đức Phật ra đời.
Những hoạt động trong ngày Phật Đản
Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (tức là nuôi dưỡng bốn đức tính từ - bi - hỷ - xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người có những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, ngày này có mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn đó là nhắc nhớ mọi người phải không ngừng nỗ lực tu tập, buông bỏ để trở về chính mình, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh. Và hơn hết ai ai nên nhớ rằng, những nghi lễ chỉ là hình thức, chân tâm bên trong của chúng ta ra sao mới là điều quý giá.
Chúc cho tất cả mọi người, dù là Phật tử hay không phải Phật tử, luôn sống và chuyển mình theo những đạo lý cao đẹp của đạo làm người như: biết ơn đấng sinh thành, không tham sân si, đố kỵ, biết sống hiền lành, vị tha,... Bởi chỉ có như thế cuộc sống của chúng ta mới thêm muôn phần hạnh phúc và có ý nghĩa.