Cuộc sống của một con người không phải lúc nào cũng trải qua trong sự êm đềm, bình yên mà luôn đầy ắp biến động. Những được mất, hơn thua, thành bại, khen chê… ở đời, đôi khi khiến chúng ta mất đi sự bình an trong lòng.
Trước những biến động cuộc đời, làm thế nào để giữ được một nội tâm trầm tĩnh và an ổn? Làm thế nào để những cảm xúc tiêu cực không chi phối và khiến ta chao đảo?
Đức Phật đã chỉ ra 8 yếu tố chi phối đời sống chúng ta hay còn gọi là Tám ngọn gió đời. Tám yếu tố này luôn khiến cho con người không ngừng xoay chuyển. Cùng tìm hiểu rõ hơn các yếu tố này và cách để sống bình an, vững vàng trước sóng gió cuộc đời.
1. Được và Mất
“Được” là khi ta đạt được một thứ gì đó, bất kể là vật chất hay tinh thần như công danh, sự nghiệp, danh tiếng, nhan sắc, sự quan tâm, yêu thương... Đó có thể là do sự nỗ lực của ta hoặc là nhận được sự giúp đỡ ai đó.
Thường khi mong điều gì mà đạt được thì chúng ta đều cảm thấy hân hoan, hạnh phúc và bằng lòng với điều đó. Chúng ta cảm thấy sung sướng, lòng phơi phới như ngọn buồm căng gió và thấy cuộc đời thật đáng yêu, đáng sống.
Còn khi ngọn gió này trở ngược lại, tất cả những gì tốt đẹp nhất bỗng chốc vụt khỏi tầm tay, chúng ta sẽ cảm thấy rất u sầu, chán nản, tuyệt vọng như ngọn buồn heo gió.
Những thất bại, lụi tàn, suy thoái, trắng tay…đều là biểu hiện của sự “mất” trong cuộc đời.
Được thì vui, mất thì buồn, mọi người đều nghĩ nó là lẽ thường tình, nên ai cũng ra sức vui buồn theo cảm xúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nỗi buồn, niềm vui kéo dài giống nhau. Nếu chịu khó quan sát chúng ta sẽ thấy chính thái độ trước những được-mất mới là quyết định con người có KHỔ hay không?
Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy, khi “được”, chúng ta ham thích, ôm giữ và bám víu. Khi mất đi rồi thì chúng ta tiếc nuối, buồn khổ.
Khi thấy người khác sở hữu nhiều hơn, ta sinh lòng đố kỵ, hơn thua. Khi đương trong thuận lợi chúng ta cũng dễ chủ quan, khinh nhờn và nâng cái Tôi của mình lên một nấc!!
Mà ở đời, có thứ gì sẽ tồn tại vĩnh viễn? Rất nhiều triết gia cũng đã chỉ ra: khi ĐẠT ĐƯỢC cái gì đó thì nó cũng đồng nghĩa là nó sẽ MẤT ĐI trong tương lai, chậm nhất là lúc chúng ta qua đời. Vậy mà không biết bao nhiêu người vẫn lầm tưởng, chỉ muốn nắm mà không muốn buông, chỉ muốn níu giữ mà không chấp nhận sự đến đi. Luật nhân quả vẫn luôn vận hành và tạo nên những biến đổi tương ứng. Duyên hợp hay duyên tan phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà đôi khi chúng ta không phải là yếu tố then chốt.
Tóm lại, những được-mất ở đời thực ra chỉ có tính tạm thời, đều theo nhân quả mà biểu hiện. Được chưa chắc là tốt, mà mất chưa chắc đã hung. Được đôi khi là ẩn chìm của tai hoạ, còn mất đôi khi lại là tiền đề cho nhân duyên khác tốt đẹp hơn.
Ví dụ, có những người ra sức vơ vét, ích kỷ, hẹp hòi đến cuối đời mới nhận ra rằng, mình có mang theo được gì đâu? Còn có những người dành cả đời cống hiến như những nhà bác học, có khi mất chẳng có ai biết đến. Nhưng đối với họ, “được” chính là niềm hạnh phúc và tiến bộ mai sau của cả nhân loại…
Điều quan trọng là chúng ta phải rõ biết chính mình. Và trước mọi thăng trầm cuộc sống cần có thái độ chấp nhận với sự buông xả. Và khi đã bình tĩnh thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn hay thuận lợi chúng ta luôn đưa ra được những quyết định sáng suốt.
2. Sướng và Khổ
Nếu sự bám víu vào việc được mất là do không hiểu biết về quy luật nhân quả (duyên hợp, duyên tan) thì sướng-khổ lại do sự bám víu vào những cảm giác dễ chịu, êm ái, thoải mái của sự hưởng thụ.
Cảm giác sung sướng là một cái bẫy, cám dỗ con người. Được ăn ngon, mặc đẹp, chỗ ở thoải mái... là sướng. Được nghe những lời nói nhỏ nhẹ, êm tai… là sướng. Được ai đó chiều chuộng, nâng niu… là sướng. “Không muốn làm mà có ăn” hay “lánh nặng tìm nhẹ” là sướng. Nhưng càng đắm chìm vào những tiện nghi này chúng ta sẽ ngày càng bám víu, như một thức nghiện và khó thoát ra được.
Từ hàng trăm năm nay, các phát minh của nhân loại đều hướng tới việc tạo ra những tiện nghi để con người sống thoải mái, dễ chịu hơn. Nhưng liệu một cuộc sống tiện nghi hơn có khiến con người bớt đi đau khổ? Thực tế hiện nay cho thấy, khi càng sống tiện nghi và hưởng thụ, con người chỉ đang đổi từ cái khổ này sang cái khổ khác mà thôi. Từ cái khổ của sự thiếu thốn sang cái khổ của sự đắm chìm và lệ thuộc. Mà Đức Phật gọi chúng ta đang uống “đau khổ” của mình mà không biết. Một khi những tiện nghi mất đi người ta trở nên bứt rứt, nóng nảy, khó chịu, bất an. Họ trở nên dễ bực bội và quát tháo người khác và trong Tâm không hề an chút nào.
Sự thoả mãn về vật chất và tinh thần chưa bao giờ là thước đo của niềm bình an nội tâm con người!
Khi có điều kiện tốt, cái Tôi của con người cũng dày lên một nấc. Họ coi thường, khinh ghét những người nghèo đói, thiếu thốn hơn. Đôi khi vì để đảm bảo sự tiện nghi, đầy đủ, thỏa mái cho chính mình mà họ phải “cướp” của người này một ít, “dối gạt” người kia một chút, “chiếm giành” của người khác… Từ một hạt giống tham lam nhỏ thôi, cũng tạo điều kiện cho biết bao tội lỗi.
Hãy hiểu rằng, hoàn cảnh mỗi người sinh ra là khác nhau, mỗi người sẽ có cuộc sống sang hèn khác nhau. Nhưng không ai có lợi tất cả và cũng không ai chỉ toàn là sự thiếu thốn. Đối với một đứa trẻ vùng quê, mặc dù không được nằm trong nệm ấm, chăn êm, có điều hoà mát lạnh. Nhưng các em được thả hồn mình khi nằm trên khoảnh sân nhỏ và ngắm bầu trời đầy sao. Ngược lại có người công việc bận rộn và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ lại quá khao khát, thèm muốn những giờ ngồi chậm rãi uống trà thảnh thơi…
Sự thực là chúng ta luôn có những điều kiện hạnh phúc mà trời đất ban tặng và không ai có thể lấy đi được. Những điều kiện luôn có sẵn chỉ chờ chúng ta quay về tiếp nhận. So sánh giàu nghèo hay sướng khổ chỉ nằm trong tư duy của chúng ta mà thôi. Thay đổi góc nhìn, thay đổi suy nghĩ sẽ giúp chúng ta nhận ra những điều kiện hạnh phúc luôn có sẵn và đang nuôi dưỡng mình.
3. Vinh và Nhục
Sự vinh-nhục thường gắn liền với sự thành công và thất bại. Khi thành công chúng ta được thăng quan tiến chức, phát đạt, nổi tiếng và có danh lợi. Chúng ta không khỏi tự hào, hãnh diện về chính mình. Cái khó là nhiều người không đủ tỉnh thức để nhận biết sự ràng buộc của cảm xúc ưa thích này.
Họ không biết rằng khi đứng trên đỉnh cao, mình cứ muốn được thành công mãi. Khi đã quá quen thuộc với những lời khen, dần dà họ trở nên ảo tưởng về chính mình và không còn minh định được đó là lời thật lòng hay xu ninh. Họ ngày càng nghiện ngập và chìm đắm với sự tung hô. Để rồi, khi thời thế đảo chiều: sa cơ, lụn bại thì họ trở nên vô cùng hoang mang, hụt hẫng và tệ hơn là trở nên cảm thấy tệ hại, mặc cảm về bản thân. Họ bị cơn lốc khủng khiếp của danh vọng nhấn chìm đến mức có những người cho đến về sau, họ không bao giờ ngóc đầu dậy lên được.
Chúng ta biết rằng, đường danh lợi vinh liền nhục, nhục liền vinh. Khi mình có quyền, có tiếng nói thì lắm kẻ tung hô mình cũng là những kẻ xu nịnh, nịnh nọt. Cũng có những người họ chỉ muốn lợi dụng cái tài của mình mà thôi. Nên khi hết thời, sa cơ hoặc có người khác thay thế thì họ bèn ngoảnh mặt đi không thương tiếc. Rốt cuộc thứ còn lại vẫn chỉ là nội lực của chính mình.
Cũng có nhiều người suốt đời sống nương nhờ vào cái danh dự mà người khác gán cho mình. Nếu mình coi trọng sự đạo đức mà bị người khác mắng vả, sỉ nhục liên quan đến đạo đức của mình thì người đó có thể tìm tới sự quyên sinh để chứng minh sự trong sạch hay phẩm giá. Nhưng liệu điều đó có đáng? “Mạng người là khó được”. Cuộc sống vốn là sự tổng hòa của rất nhiều mặt. Trên đời không có ai là toàn tốt, cũng không có ai toàn xấu. Chuyện bị hiểu lầm, vu oan âu cũng là lẽ thông thường khi người chưa hiểu người. Vậy đánh đổi cả mạng sống chỉ vì những lời gièm pha liệu có đáng? Là do thị phi quá lớn hay chúng ta không vượt qua được lòng mình?
Do đó, Đức Phật dạy để đối diện vững vàng trước những ngọn gió vinh nhục chúng ta luôn phải sáng suốt và sống trung thực, chân thật. Tự biết mình là quan trọng nhất. Còn thế gian nhiều nhiễu nhương, dù có sống trong sạch và đạo đức đến mấy (đến bậc toàn hảo như Đức Phật, đức Chúa Giê-su) thì vẫn có những người chống đối, dèm pha,vu khống….
“Như luồng gió không dính mắc vào trong màng lưới". Lưới mỏng hay lưới dày, ngọn gió đều thổi qua được. Một người khi đã sống trung thực, có niềm tin vào chính mình và biết rõ những việc làm đúng đắn của mình thì người đó sẽ không bị những ngọn gió của vinh nhục làm lay động.
4. Khen và chê
“Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngổng, thấp chê lùn.
Béo chê béo trục béo tròn.
Gầy chê xương sống xương sườn lồi ra”.
Khen chê trong xã hội là chuyện muôn đời, gần như là không có cách nào để tránh. Khen là có những lời tâng bốc một ai đó, thậm chí tô hồng sự thật, đôi khi có tính cách thổi phồng các sự việc theo hướng tích cực nhất. Còn chê là sự chỉ trích, dè bỉu, từ đó có những lời nói bất mãn, bôi nhọ một người hay sự việc gì đó.
Khi được khen người ta vui thích, hài lòng, vui vẻ và sinh tâm bám víu vào điều đó. Lời khen cũng khiến một người trở nên kiêu ngạo. Khi bị chê bai, chỉ lỗi người ta khó chịu, tức tối, phản ứng.
Chúng ta thường ví rằng khi được khen, tâm hồn sẽ được đưa “lên tận mây xanh”, bởi là vì khi đó chúng ta không còn giữ được tâm thái bình thường nữa. Chạy theo sự hài lòng, thích thú của lời khen chúng ta thể hiện tài năng, sở trường một cách quá đà. Khi đã cố công làm với sự hy vọng tràn trề mà không được khen thì lại đau khổ, tự ti, thậm chí đôi khi tự dối mình, dối người để được khen. Hoặc khi thấy người giỏi hơn thì ta sẽ đố kỵ, tự ti hay hơn thua. Từ một hạt giống tham lam nhỏ thôi, cũng tạo điều kiện cho biết bao phiền muộn.
Cũng có người nói rằng: “Muốn bình yên thì hãy giẫm lên dư luận mà đi”. Đó lại là một cách nghĩ tiêu cực khác.
Thực ra, lời khen tiếng chê cũng là cơ hội để mình nhìn lại mình. Chúng ta hãy cẩn trọng và bình tâm suy xét. Liệu những khen, chê đó có phải là chính mình? Nếu có sai sót gì hãy thừa nhận và tìm cách sửa lỗi. Còn nếu được khen hãy ý thức thành quả là do ta được thừa hưởng rất nhiều nhân duyên trong cuộc đời nên ko nên lấy đó là kiêu căng. Mà lấy tài năng, khả năng đó để phục vụ và nuôi dưỡng lại cộng đồng, xã hội.
Chúng ta làm việc gì mà cảm thấy điều đó hợp tình, hợp lý và phù hợp với khả năng, không phạm vào những quy tắc đạo đức thì hãy thầm lặng, vững bước mà làm, đừng để bị chi phối và tác động bên ngoài để không đánh mất lý tưởng mà mình đang ấp ủ. Sống được như vậy ta sẽ sống bình thản giữa khen- chê trong cuộc đời!
KẾT LUẬN
Được rồi Mất, Khen rồi Chê
Vinh liền tới Nhục, Sướng kề Khổ đau
Gió đời tám ngọn trước sau
Luôn gây loạn động, đua nhau dâng trào.
Cuộc đời luôn là sóng gió, nhưng cũng chính nhờ sóng gió đó mà giúp chúng ta nhận ra chính mình, hiểu mình hơn. “Nếu tất cả đường đời đều trơn láng, có chắc gì ta đã nhận ra ta” - Lưu Quang Vũ. Nhờ những va chạm trong cuộc sống mà chúng ta thấy ra nhiều mặt của bản thân, làm cho mình hết "sắc cạnh" đi và phá vỡ những cố chấp, bám víu của mình.
Những thăng trầm, sóng gió cuộc đời là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta điều chỉnh, trui rèn bản lĩnh của mình. Nếu ai vẫn còn giao khoán hạnh phúc, tiếng tăm, danh dự cho người khác thì vẫn chưa có bản lĩnh chút nào.
Và chỉ khi một người tìm thấy sự tự do, độc lập riêng với chính mình người đó mới có thể ung dung tự tại. Còn vẫn còn run rẩy trước những thử thách, thì sự tự do và bình an với người đó vẫn còn rất xa vời.
Tham khảo khóa học Chánh Kiến 2: Bí quyết quay về bên trong để xây dựng nội lực vững vàng.
Khoá học có ứng dụng Thiền Vipassana để học cách quán tâm và nhận diện những ưa thích, bám víu hay chống đối của Tâm để chuyển hoá.
Thông tin chi tiết và đăng ký tại: Bke.edu.vn/chanhkien2