Hỏi:
Thưa thầy, con thấy người ta hay nói về phương pháp thực hành Lòng Biết Ơn. Mỗi ngày ghi xuống sổ những điều mình cảm thấy biết ơn từ giọt nước, nhành cây, ánh nắng, việc làm tốt ai đó đối với mình…vv
Thời gian đầu con thực hành và thấy rất tích cực. Thậm chí thầy cuộc sống màu hồng và tràn đầy sự lạc quan. Tuy nhiên, một thời gian sau khi xem lại, con đọc lại những dòng chữ đó thấy có phần hơi thái quá và không thực tế. Con cũng không duy trì nó một cách liên tục được. Thầy cho con hỏi phải làm sao ạ?
Đáp:
Lòng biết ơn là hạt giống thiện sẽ tự nhiên sinh khởi khi một người được rèn luyện Đạo đức - Trí tuệ - Nghị Lực mà không cần phải gượng ép.
Tìm hiểu 3 yếu tố nền tảng để hình thành Lòng Biết Ơn.
Biết ơn đến từ trí tuệ
Có “biết” thì mới có “ơn”. Cái biết là cái khởi điểm để chúng ta nhận ra giá trị của một con người hay một đồ vật và giá trị mang đến. Cái biết càng lớn, càng sâu thì lòng biết ơn càng mạnh mẽ.
Thế giới ghi nhận hai nhà bác học có công lớn nhất trong ngành y đó là Louis Pasteur và Alexandre Yersin, một người được coi là “Người khai sáng kỷ nguyên vi trùng học” và một người được coi là “Người vẽ lại bản đồ y học thế giới”. Khắp thế giới tri ân sâu sắc hai con người vĩ đại này vì những cống hiến to lớn của họ trong việc giảm thiểu nỗi đau tật bệnh cho nhân loại.
Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng biết đến và mang ơn hai nhà khoa học này. Chúng ta không biết rằng những mũi vắc xin được chích ngừa ngày bé chính là nhờ công sức cống hiến tận tụy của hai nhà khoa học. Không có những nhà bác học như L.Pasteur và A.Yersin thì nhân loại còn phải đối mặt với hàng loạt những cái chết vì dịch bệnh truyền nhiễm.
Ghi chú: Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại. Nó gây ra cái chết nhanh chóng trong sự hoảng loạn, đau đớn của người bệnh. Còn dịch hạch đã từng lấy đi mạng sống 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc.
Khi chúng ta biết điều này tự nhiên trong lòng chúng ta sẽ trào lên lòng biết ơn không chỉ đối với hai nhà bác học mà còn với những người làm công việc nghiên cứu vì đã tạo ra những phát minh làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy lòng biết ơn này đến từ sự hiểu biết. Sự hiểu biết này giúp chúng ta nhìn thấu rõ được nguồn gốc, bản chất của sự vật hiện tượng, từ đó giúp chúng ta biết mang ơn những điều nhận được. Sự thấu biết càng sâu, càng tinh tế thì sự biết ơn càng lớn, và khi được hình thành thì nó trở nên vững chắc và mạnh mẽ vô cùng.
Biết ơn đến từ đạo đức
Lòng biết ơn chỉ sẵn có với những ai biết sống hướng thiện. Cuộc sống là một vòng tuần hoàn chuyển giao liên tiếp với những mối quan hệ cho - nhận. Khi biết những điều kiện hạnh phúc chính là sự ban ơn, trao tặng của người khác hoặc của đất trời, với một trái tim biết thông cảm, thấu hiểu ta sẽ dễ dàng khởi sinh ý niệm muốn đền đáp cũng như sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Biết ơn khác với sòng phẳng. Sự biết ơn thực sự là ta cảm thấy rung động và hạnh phúc từ bên trong. Và ta có thể bày tỏ ra bên ngoài hoặc thầm biết ơn và trả ơn một cách thầm lặng. Nó không được hiểu theo nghĩa đổi chác, vì sòng phẳng là đã có tính toán. Còn biết ơn là dựa trên tình cảm, chân tình dành cho nhau.
Lòng biết ơn là một giá trị màu nhiệm khi được trao trả đúng bản chất. Đó là khi nó được xây dựng bởi hai yếu tố trí tuệ và đạo đức, một cái đầu hiểu biết và một trái tim ấm nóng.
Trí tuệ đi kèm với đạo đức sẽ nhân lên niềm vui của lòng biết ơn và sẽ lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đó cho cộng đồng và môi trường xung quanh. Còn nếu biết ơn mà chỉ đơn thuần dựa trên đạo đức thì có thể nó chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nào đó, nhưng rồi lại gây ra sự ảnh hưởng cho xã hội và cộng đồng. Sự biết ơn thiếu trí tuệ như vậy là sự biết ơn mù quáng và đã bị méo mó.
Như vậy khi biết ơn chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi cho những việc làm của mình? Liệu sự biết ơn đó đã đúng đắn chưa? Việc làm của mình sẽ đưa mọi chuyện đi đến đâu? Sự biết ơn của ta đã thể hiện được hai yếu tố trí tuệ và đạo đức chưa?
Lòng biết ơn giúp ta “ứa ra” chất liệu yêu thương và trở thành người giàu có. Tuy nhiên để thực hiện được lòng biết ơn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt là đối những việc khó.
Lòng biết ơn cần đến Nghị lực
Để thể hiện lòng biết ơn ta có thể thể hiện bằng một lời nói, lời cảm ơn hay một ánh mắt chân thành. Nhưng để làm được những việc khó hơn thì ta phải cần nghị lực.
Một đứa con vẫn nói yêu mẹ mỗi ngày nhưng chỉ cần nhờ vả là biết ngay còn chưa thắng nổi thói ham ăn, ham chơi, ưa thích làm việc nhẹ nhàng. Một người con có hiếu thực sự là người biết san sẻ gánh nặng với ba mẹ. Sự biết ơn này phải cần dùng đến ý chí nghị lực rất nhiều.
Một ví dụ về nghị lực trong báo ân, báo hiếu:
Gia đình nọ có năm người con, lúc nhỏ bố mẹ đã tần tảo để nuôi năm anh chị em khôn lớn. Nay bố mẹ đều đã lớn tuổi, và bệnh tật người già thỉnh thoảng cũng ghé thăm. Tất cả đều gửi những thực phẩm và các loại thuốc bổ tốt để bồi dưỡng cho bố mẹ, và hàng tháng đều biếu tiền để bố mẹ mua thuốc men, thực phẩm hàng ngày. Như vậy năm người con đều nhớ đến công ơn cha mẹ và cũng có hành động để đền đáp công ơn và báo hiếu cha mẹ.
Một ngày nọ, người mẹ trở bệnh nặng, ho ra máu và tình trạng rất nguy cấp. Khi biết tin cả năm người con đều sắp xếp công việc để về nhà và vào bệnh viện thay nhau túc trực mẹ. Tuy nhiên tình trạng bệnh tình của mẹ ngày càng trở nặng và kéo dài. Mấy người con dần đuối sức, cạn kiệt năng lượng và vì còn nhiều công việc bộn bề ở trên thành phố nên đều xin phép quay trở về. Để lại người bố còm cõi chăm sóc người mẹ già.
Tuy nhiên, sau 1 tuần về nhà, thì có một người con trai đã quyết định sẽ xin nghỉ phép dài ngày để về chăm sóc mẹ. Nói là làm, cậu sắp xếp và trở về với mẹ ngay sau đó. Suốt gần 2 tháng trời sau đó, cậu đã ở bên để chăm sóc người mẹ của mình sớm tối. Là công việc nặng nhọc, có những đêm chi chợp mắt được đôi ba tiếng nhưng với lòng yêu thương cha mẹ và nghị lực hơn người. Chính cậu đã đồng hành cùng với mẹ qua giai đoạn nguy kịch nhất.
Không những vậy, cậu còn chuyên tâm nghiên cứu trên những trang kiến thức chuyên môn nước ngoài, các tạp chí và liên hệ những bác sĩ giỏi nhất để hỏi về tình trạng bệnh của mẹ. Nhờ sự nỗ lực đó, mà anh đã kết nối được với một bác sĩ uy tín, có chuyên môn cao về căn bệnh của mẹ, và sau đó đã giúp chữa khỏi căn bệnh lao phổi cho mẹ anh.
Như vậy, để làm được việc khó, dù trong cuộc sống công việc hay hành động báo ơn thì nghị lực cũng là yếu tố quan trọng để giúp một người hoàn thành những điều tốt đẹp cao cả.
Tóm lại
Lòng Biết Ơn là khi ta biết nhìn vào những điểm tốt, những mặt tích cực trong cuộc sống để trân trọng và đón nhận. Sống với lòng biết ơn giúp ta mở rộng tâm hồn, xóa bỏ hận thù để xây dựng tình yêu. Cuộc sống cũng từ đó có chất lượng và nhiều phẩm chất hơn.
Tuy nhiên thay vì thực hành theo những phương pháp máy móc, khô khan, hãy luôn luôn trau dồi sự quan sát, học hỏi để tăng trưởng Trí tuệ, tập vượt qua những thói quen xấu và giữ cho mình một trái tim lương thiện thì không chỉ lòng biết ơn mà còn rất nhiều hạt giống thiện khác cũng sẽ nảy nở và sinh trưởng.
Đặc biệt phải rất cẩn thận với các phương pháp “tự kỷ ám thị”, tư duy tích cực dùng không đúng cách hoặc sai lệch thì dễ dẫn đến đơn chiều, máy móc và gượng ép.
Đọc thêm bài viết về Tư duy Đúng và Tư duy Tích cực